Di tích, chùa chiền, lăng tẩm
Dân tộc Cơ-tu
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Mặc dù, nguồn gốc hình thành của dân tộc Cơ-tu còn gây nhiều tranh cãi, song không thể phủ nhận rằng đồng bào Cơ-tu có một nền văn hóa đặc sắc, mang đậm dấu ấn cuộc sống và tín ngưỡng đậm nét riêng trong 54 sắc màu dân tộc Việt Nam.

1. Nguồn gốc lịch sử:

Người Cơ-tu là tộc người cư trú lâu đời ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Cho đến nay, nguồn gốc của người Cơ-tu vẫn chỉ dừng lại ở các giả thiết, nhưng tựu trung, các học giả trong và ngoài nước dựa vào thành tựu kiến trúc, điêu khắc, nền văn hóa và cả nét đẹp hình thể của đồng bào để đoán định rằng người Cơ-tu đã từng có thời gian là chủ nhân của một nền văn hóa cao đã bị suy tàn chứ không phải là một tộc người có trình độ văn minh sơ khai đang phát triển.

Nhà của người Cơ-tu. (Ảnh: Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam)

Tộc người này chưa hình thành những nhóm địa phương mà chỉ có các nhóm được phân biệt theo địa vực cư trú như người vùng cao (Cơ-tu Đriu), người vùng trung (Cơ-tu Cha Lâu) và người vùng thấp (Cơ-tu Nal).

2. Phân bố địa lý:

Dân tộc Cơ-tu cư trú chủ yếu ở hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam và một số ít ở hai huyện Nam Đông, A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Dân số, ngôn ngữ:

- Dân số: Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019, tổng dân số người Cơ-tu: 74.173 người; dân số nam: 37.096 người; dân số nữ: 37.077 người; quy mô hộ: 3.8 người/hộ; tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 88.2%.

- Ngôn ngữ: Ngôn ngữ của người Cơ-tu thuộc nhóm Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), gần gũi với tiếng Tà Ôi, Bru-Vân Kiều. Từ thời kỳ trước năm 1975, người Cơ-tu đã có chữ viết trên cơ sở dùng chữ La-tinh để phiên âm, nhưng nay ít người sử dụng.

(Ảnh: Thành Đạt)

4. Đặc điểm chính:

- Thiết chế xã hội truyền thống: Người Cơ-tu sinh sống tập trung thành từng cộng đồng ven nguồn nước gọi là vell (làng); trong đó quan hệ cộng đồng dân làng khá chặt chẽ. Họ thực hiện chế độ tự quản dựa vào tập tục, đứng đầu là "già làng". Mỗi làng gồm vài chục nóc nhà bao quanh nhà Gươl - trung tâm hành chính-văn hóa-xã hội của tộc người này. Dân tộc Cơ-tu thực hiện chế độ phụ hệ nên người đàn ông thường đóng vai trò rất lớn.

- Nhà ở: Người Cơ-tu ở nhà sàn. Trong một nhà sàn có nhiều cặp vợ chồng là anh em trai với nhau và con cái của họ cùng sinh sống. Mỗi làng có một ngôi nhà chung gọi là Gươl, cao lớn và đẹp nhất. Ðó là nơi hội họp và sinh hoạt công đồng.

- Trang phục: Người Cơ Tu ưa chuộng nhất bộ y phục bằng vải dệt nền đen có hoa văn bằng chì, thứ đến hoa văn bằng cườm trắng. Trước đây, đàn ông Cơ-tu thường đóng khố, cởi trần, về mùa rét có choàng thêm tấm chăn hoặc một loại áo bằng vải có trang trí. Phụ nữ thường mặc một loại váy ngắn đến đầu gối, phần trên chỉ quấn một tấm khăn giống như cái yếm của người Việt, mùa đông cũng khoác một tấm chăn. Dịp lễ hội, họ thắt thêm thắt lưng nền trắng mộc.

Lễ dựng cây nêu của người Cơ-tu. (Ảnh: Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam)


- Tôn giáo, tín ngưỡng: Cũng giống như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Cơ-tu tin rằng mọi sự vật, hiện tượng đều mang tính siêu nhiên, có sự can thiệp của thần linh và tín ngưỡng này đã chi phối hầu hết mọi mặt trong đời sống của họ, từ những việc lớn như dựng nhà, chọn nương, cưới hỏi, tang ma... cho đến những việc nhỏ như thu hoạch, làm rẫy, săn bắn, bởi vậy họ có nhiều lễ cúng tế. Trong mỗi Làng của người Cơ-tu đều có vật "thiêng" (thường là hòn đá) được cất giữ ở ngôi nhà chung, như một thứ bùa bảo vệ cả làng.

- Ẩm thực: Lương thực chính của người Cơ-tu là gạo, sắn và ngô. Người Cơ Tu thường ngày ăn cơm tẻ, vào dịp lễ hội họ sẽ thổi cơm nếp. Đồng bào Cơ-tu quen ăn bốc. Họ cũng thích các món nướng, ướp và ủ trong ống tre và uống rượu tà-vạk v.v... Rượu tà-vạk là loại đồ uống đặc trưng của đồng bào Cơ-tu, không thể thiếu trong các dịp lễ hội.

Các nghệ nhân người Cơ Tu mặc trang phục bằng vỏ cây, biểu diễn khèn trong lễ hội tạ ơn rừng. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)


- Nhạc cụ: Nhạc cụ thường thấy của người Cơ-tu là bộ chiêng 3 chiếc, cồng 1 chiếc, trống, sáo, đàn, nhị.

- Giáo dục: Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 75.4%, tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học 100.2%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở là 92.5%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông là 70.6%, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường là 9.9%.

- Lễ tết: Dân tộc Cơ-tu còn bảo lưu nhiều lễ hội liên quan đến tập quán canh tác nương rẫy, nghi lễ vòng đời người, lễ hội cộng đồng... Trong đó, lớn hơn cả là lễ đâm, lễ "dồn mồ". Đồng bào ăn tết theo làng, vào khoảng tháng giêng, tháng hai dương lịch, sau mùa tuốt lúa.

5. Điều kiện kinh tế:

Đồng bào Cơ-tu sinh sống chủ yếu bằng việc trồng lúa rẫy, với phương thức canh tác đơn sơ. Ngoài ra, người dân Cơ-tu còn nuôi trâu, lợn, chó, gà. Song, nguồn thực phẩm hằng ngày chủ yếu do hái lượm, săn bắn và đánh bắt cá đưa lại. Đặc biệt nghề đan lát rất phát triển trong cộng đồng người Cơ-tu. Đến nay, đồng bào vẫn chủ yếu thực hiện việc trao đổi trực tiếp: vật đổi vật.

Món ăn của người Cơ-tu. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)

Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: Dân tộc Cơ-tu có: Tỷ lệ thất nghiệp 3.99%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 13.1%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 25.6%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 7.0%; Tỷ lệ hộ nghèo: 38.1%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 7.1%; Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh: 76.1%; Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới để thắp sáng: 94%.

Nguồn: Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê, "Các dân tộc ở Việt Nam" (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật)
Approved Trang thai
Các bài khác